Nó đã khó có con như vậy thì con bỏ đi. Mẹ cưới cho mày một đứa khỏe khoắn về, đẻ mỗi năm một đứa, sao mày phải khổ thế làm gì? Cái loại đã có bệnh như thế thì sinh con ra cũng còi cọt ốm yếu mà thôi.
Chồng tôi là con út trong một gia dinh có 3 chị em. Học hết lớp 9, chồng phải nghỉ học ở nhà làm vườn và đi bán rau cho mẹ. Chồng kể, với gia đình anh ngày đó, đi học như một thứ gì đó, xa xỉ lắm. Mỗi khi thấy bạn cùng trang lứa đi học qua nhà, đang làm vườn, anh lại chạy vội nép vào bếp, nhìn bạn thèm thuồng một lần được đạp xe lên học trường huyện.
Làm rau cho mẹ đến 16 tuổi, chồng theo một người anh em trong họ lên Hà Nội làm mộc. Chưa đến tháng, mẹ đã ứng lương trước của anh. Mẹ nói khi nào lấy vợ, mẹ sẽ trả cho lấy vốn làm ăn.
Tôi gặp và quen anh khi tôi học năm cuối đại học. Ấn tượng lam dep về khuôn mặt hiền lành và giản dị của anh đã làm tôi yêu anh say đắm, bỏ ngoài tai những lời bàn tán của bạn bè về sự chênh lệch trình độ. Những buổi hẹn hò đi chơi với nhau, anh chỉ có một chút tiền nhỏ, đủ để hai đứa ăn chung một cái bánh bao và tiền xe bus đi về.
Rồi chúng tôi lấy nhau. Đám cưới diễn ra giản đơn lắm, vì với mẹ chồng cái gì cũng tốn kém. Mẹ bỏ tiền ra để làm đám cưới nhưng số tiền mà bạn bè, anh em đã mừng cho anh, mẹ thu hết. Xong việc bà ngồi tính toán, bảo lỗ gần 5 triệu và yêu cầu chúng tôi liệu để trả. Tôi sững người. Khi chỉ còn hai vợ chồng, anh bảo :”Tính mẹ vậy, e đừng để ý. Nhu cầu của mẹ ít lắm, mẹ có cần gì nhiều tiền đâu. Chẳng qua, mẹ sợ chúng mình hoang phí, nên góp vốn cho mình thôi. Nếu có, em đưa cho mẹ, mẹ vui thì mình cũng thoải mái em ạ”. Nghe anh, tôi lấy số tiền bố mẹ đẻ cho trước khi cưới đưa cho bà.
Tôi thật sự ngả ngửa khi đến tháng lương đầu tiên, sau khi chúng tôi lấy nhau, anh vẫn không đưa cho tôi một xu. Tôi hỏi thì anh bảo mẹ đã ứng trước của người ta mấy tháng rồi. Bao nhiêu khoản chi tiêu, kể cả tiền xăng cho chồng đi làm, đều nhờ vào tiền lương của tôi. Tôi biết anh rất thương mẹ và nghe lời mẹ nên tôi không dám nói nặng lời.
Nhưng tôi quá buồn và lo cho tương lai sau này nếu tình trạng này cứ tiếp diễn. Tôi chọn thời gian khi hai vợ chồng tam su với nhau để mà bày tỏ lòng mình. Chồng hiểu những bức xúc của tôi nhưng cũng như mọi lần, anh bảo, chắc mẹ lo mình ở đây hoang phí nên muốn giữ cho. Khi nào mình có việc, mẹ sẽ gửi lại.
Việc mẹ cứ ứng tiền lương của anh diễn ra hơn 1 năm từ khi chúng tôi lấy nhau. Tôi vẫn không dám nói với ai chuyện này nhưng sự bức xúc của tôi ngày một lớn. Những chi tiêu ngày càng không đủ. Tiền trọ, chi tiêu, xăng xe, điện thoại… tôi đã cố cắt giảm nhu cầu chi tiêu đến mức tối thiểu nhưng cũng quá chật vật. Không muốn để tình trạng này diễn ra mãi, tôi bàn với chồng để anh chuyển qua làm một công việc khác.
Nhưng thật sự đó không phải là điều dễ dàng. Thời buổi kinh tế khó khăn và anh không có bằng cấp. Tôi lại không muốn chồng mình phải đi làm bảo vệ hay bưng bê trong các quán ăn. Hai vợ chồng trằn trọc bàn tính bao đêm, cuối cùng quyết định để chồng đi học lái xe. Phí học của chồng tôi phải rút hết tiết kiệm, số tiền mà tôi góp nhặt từ khi đi làm đến lúc lấy chồng. Vì tôi biết, mẹ không đời nào đưa tiền cho anh đi học nghề để bỏ công việc mà đến tháng mẹ vẫn nhận lương đều như vậy.
Khi chồng tôi đi học thì tôi biết tin mình mang thai. Đây là lần mang thai thứ hai của tôi (lần đầu tôi đã bị lưu khi chưa đầy 1 tháng). Hai vợ chồng chưa kịp vui mừng thì trong một lần đang làm việc, tôi thấy bụng đau nhói và một ít dịch hồng dưới ghế ngồi. Quá lo lắng sợ sẽ như lần mang thai đầu, tôi gọi cho chồng rồi đi khám. Bác sĩ bảo, tôi ở trường hợp suy hoàng thể thai kì sớm, thiếu nội tiết nên phải tiêm thuốc nội tiết trong vòng 3 tháng đầu để giữ thai. Bác sĩ còn cho biết phải hết sức giữ gìn, không được vận động trong thời gian này.
Chồng tôi gọi điện cho mẹ lên, bàn về vấn đề của tôi và cái thai tôi đang khó để giữ, rồi xin mẹ một ít tiền. Mẹ tròn mắt, nói như quát với anh: “Mày sợ mẹ lấy tiền trước nên mày đã nghe vợ không làm việc ở đấy. Nuôi mày ngần ấy thời gian, mẹ lấy của mày có tí tiền mà giờ mày định đòi lại? Mày nghe vợ đến thế phải không? Nó đã khó có con như vậy thì con bỏ đi. Mẹ cưới cho mày một đứa khỏe khoắn về, đẻ mỗi năm một đứa, sao mày phải khổ thế làm gì? Cái loại đã có bệnh như thế thì sinh con ra cũng còi cọt ốm yếu mà thôi”.
Tôi bàng hoàng. Nước mắt ở đâu cứ tuôn ra không gì kìm nổi. Dù có những bức xúc với mẹ nhưng tôi luôn nghĩ vì trước đây quá khó khăn mà mẹ luôn chắt chiu, tiết kiệm. Tôi không ngờ mẹ lại có ác cảm và nói những lời cay độc với tôi như vậy. Bao nhiêu chịu đựng bỗng chốc tan đi như bọt nước, tôi hét lên: “Sao mẹ lại nói thế? Sao mẹ lại ghét con? Con đã làm gì sai?”
Anh chạy lại bên tôi, ôm tôi vào lòng, rồi anh quay lại mẹ, từ tốn: “Con sẽ không bao giờ nhờ mẹ một lần nào nữa, mẹ ạ. Mọi việc của chúng con, vợ chồng con sẽ tự giải quyết”. Mẹ vùng vằng đứng dậy, để lại cái nguýt sắc như dao cau, và tiếng thở hắt ra nặng nhọc rồi bỏ về.
Giờ đây, tôi không biết phải làm gì khi mà tôi không thể đi làm, chồng đang đi học, tiền tiết kiệm của tôi đã cạn kiệt không còn một đồng, trong khi bệnh của tôi thì ngày nào cũng phải tiêm thuốc nội tiết rất tốn kém.